Chinh phục học sinh cá biệt

Lạt mềm buộc chặt

Giáo dục học sinh cá biệt là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo của người giáo viên chủ nhiệm.

Mỗi trường hợp học sinh cá biệt người giáo viên chủ nhiệm sẽ có những cách giải quyết riêng cụ thể.

Đối với học sinh cá biệt có lên xử phạt hay không? Có mắng học sinh đó trước tập thể không? Đó là những câu hỏi tôi luôn đặt ra trong quá trình làm công tác chủ nhiệm của mình.

Có câu nói của ông cha truyền dạy là “Yêu cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt, cho bùi”, rồi khi bàn về vấn đề giáo dục học sinh cá biệt nhiều người nói phải xử phạt thật nghiêm.

Tôi cũng luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Có nên xử phạt học sinh cá biệt không? Câu hỏi này là vô cùng khó trả lời trong công tác giáo dục đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, xã hội, phim ảnh, những vụ học sinh tự tử trước sự xử phạt của thầy cô (dù đó chỉ là một bản kiểm điểm) ảnh hưởng khá nhiều tới học sinh nhất là học sinh cá biệt.

Với tôi việc học sinh có vi phạm tất nhiên sẽ phải bị xử lí, người giáo viên chủ nhiệm không thể nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm của học sinh được, nhưng xử lý như thế nào cho thoả đáng, cho có tính giáo dục cao nhất.

Tôi rất tâm đắc câu nói “Lạt mềm buộc chặt”. Chính vì thế để giáo dục học sinh cá biệt tôi đã làm theo một số bước sau:

Bước 1: Phân loại học sinh cá biệt

Bước 2: Tìm hiểu nguyên nhân dẫn học sinh trở thành học sinh cá biệt.

Sau khi đã phân loại được học sinh cá biệt, biết em đó thuộc loại “cá biệt” nào người thầy phải tìm hiểu nguyên nhân nào làm cho học sinh của mình trở thành học sinh cá biệt như vậy.

Bản chất của con người vốn là rất tốt đẹp như Khổng Tử từng nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Vậy ai, cái gì đã làm cho học sinh của mình trở thành học sinh cá biệt như vậy?

Đây là một công việc không hề đơn giản nó đòi hỏi rất nhiều công phu và hơn hết là cần đến cái “Tâm” rất lớn của người thầy giáo. Người giáo viên chủ nhiệm phải điều tra tỉ mỉ, nhiều lần, gặp gỡ nhiều người để tìm ra nguyên nhân sâu xa bên trong và có biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục.

Khi đã tìm ra nguyên nhân rồi người giáo viên sẽ tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục.

Việc giáo dục học sinh cá biệt có thể mỗi người có một cách khác nhau n¬ưng theo tôi việc giáo dục học sinh cá biệt bằng sự gần gũi yêu thương là biện pháp hữu hiệu nhất.

Theo tôi việc giáo dục học sinh cá biệt hoàn toàn không phải là ảo tưởng, không phải là không thể nh¬ng đó là việc làm cực kì khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, sự tâm huyết với nghề “trồng người” của người giáo viên chủ nhiệm.

Người giáo viên chủ nhiệm phải thật sự nhẫn nại, tỉ mỉ, yêu học sinh và rất cần một phương pháp đúng đắn. Hãy coi học sinh cá biệt như một “thử thách” cần phải vượt qua, đừng coi đó như một tai nạn, một nỗi đau hay sự đen đủi khi được giao chủ nhiệm vào lớp có học sinh cá biệt.

 

11 điều giáo viên chủ nhiệm nên làm

Theo tôi việc giáo dục học sinh cá biệt có thành công hay không thì phụ thuộc vào người thầy, người thầy phải là người có “Tâm”.

Chữ “Tâm” tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là sự yêu thương vô bờ đối với học trò như một người con, người em ruột thịt của mình mà còn là tâm huyết tha thiết yêu nghề, tập trung cho từng hành động nhỏ nhất của mình từ lời ăn tiếng nói, ăn mặc, hành động, chăm chút cho từng tiết giảng, từng cử chỉ của mình.

Vì trong mắt các em, người thầy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm là “thần tượng”, đối với các em đừng để “thần tượng” sụp đổ trong mắt các em, các em sẽ hụt hẫng và hoàn toàn mất phương hướng.

Hầu hết học sinh cá biệt không ý thức được nhiệm vụ học tập của mình, không ý thức được vai trò của việc học tập đối với cuộc đời của mình, vì vậy các em không có thói quen tự giác, việc đi học với các em chỉ là để vừa lòng cha mẹ, thầy cô, để được găp bạn, để không phải làm việc nhà…

Các em chỉ học cho có học, chứ không biết học để làm gì, học có tác dụng như thế nào đến cuộc sống của mình sau này, vì vậy người giáo viên chủ nhiệm phải chỉ ra cho các em thấy tác dụng của việc học bằng những ví dụ cụ thể những tấm gương rất gần gũi với các em của sự thành công và thất bại trong cuộc sống do sự học mang lại.

Đầu tiên, người giáo viên chủ nhiệm phải tránh cái nhìn lý tưởng hoá về lớp học, về học sinh của mình. Lớp nào, trường nào cũng có học sinh cá biệt chỉ khác là biểu hiện của cái “cá biệt” đó như thế nào mà thôi và số lượng nhiều hay ít. Có em “cá biệt” về đạo đức có em “cá biệt” về học tập có em đặc biệt “cá biệt”…

Thứ hai, không gọi các em là học sinh cá biệt, đặc biệt là trước lớp, trước mặt người khác.

Các em chỉ là những “học sinh chưa ngoan”, những “học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Chúng ta gọi các em là “học sinh cá biệt” (cá biệt tức là khác biệt) vậy vô hình chung chúng ta đã cố tách học sinh đó ra khỏi lớp, cô lập các em trước lớp.

Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục các em học sinh “chưa ngoan” này trở thành học sinh ngoan. Tôi xin trích dẫn một câu danh ngôn: “Nếu bạn nhìn ai đó với ánh mắt yêu thương, bạn sẽ không nhìn thấy những nét xấu xa mà bạn sẽ chỉ nhìn thấy toàn những nét đẹp mà thôi”.

Thứ ba, đa số các em học sinh cá biệt rất cần một điểm tựa tinh thần tin cậy để có thể được sẻ chia tâm sự, để được bộc bạch những khó khăn những nỗi niềm riêng tư thầm kín, thầy cô sẽ trở thành một người bạn lớn của các em.

Tìm cách cho các em thể hiện cái “tôi” cá nhân của mình trước tập thể, không thẳng tay trừng trị các em, đừng làm mất đi điểm tựa cuối cùng của các em.

Hãy nhìn các em bằng sự bao dung của người cha, sự nhân từ của người mẹ, sự gần gũi, cảm thông của người anh người chị, sự thân thiết của người bạn.

Thứ tư, thầy cô hãy nhẹ nhàng phân tích những ưu khuyết điểm những đúng sai trong nhận thức và hành động của các em, cố gắng giúp các em tự nhận ra sai lầm, lỗi lầm của mình mà không phải mang mặc cảm nặng nề về lỗi lầm đó của mình, tạo cho các em thiện chí sửa chữa và không tái phạm.

Không la mắng chửi bới các em, đừng biến lớp học thành “địa ngục” đối với các em, đừng biến giờ sinh hoạt hay giờ ra chơi thành một giờ “tổng sỉ vả” đối với các em, đừng để học sinh nghĩ cứ gặp thầy cô là lại bị la mắng.

Thứ năm, học sinh cá biệt dù cho có khó giáo dục đến đâu đi chăng nữa thì bên trong các em vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực nếu có phương pháp đúng chúng ta vẫn khơi gợi để làm thức tỉnh các em.

Để từ đó phát huy làm điểm tựa cho các em, khôi phục lại niềm tin để các em thấy rằng mình không hề kém cỏi, không phải là “đồ bỏ đi”; từ đó có thể vứt bỏ được sự tự ti, mặc cảm mà tự giác, chủ động hội nhập với các bạn. Hãy tìm ra điểm mạnh của các em để có thể “ khích tướng” vì đa số học sinh sự sĩ diện là rất lớn.

Thứ sáu, thầy cô hãy nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, đừng nghiêm trọng hoá vấn đề hãy tạo cho các em một lối thoát, một cơ hội để sửa chữa, xin đừng “mổ một con gà bằng một cái búa”.

Hãy tin tưởng chờ đợi sự chuyển biến của các em, không nên nóng vội, vì thầy cô càng nóng vội càng tạo áp lực lên các em, các em càng bối rối, càng sa vào đối phó.

Thứ bảy, thầy cô hãy cố gắng nhìn nhận sự tiến bộ của các em không quá khắt khe, nên có cái nhìn bao dung, độ lượng, chân tình, vị tha.

Trân trọng từng sự tiến bộ của các em dù là nhỏ nhất vì đó là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các em, mạnh dạn biểu dương các em trước tập thể. Đừng tiết kiệm lời khen với các em vì một lời động viên khen ngợi còn có giá trị hơn rất nhiều những bản kiểm điểm.

Thứ tám, hãy tôn trọng quyền lựa chọn, sự quyết định của học sinh trong phạm vi cho phép, cùng nhau xây dựng nội quy của lớp, các em sẽ tự giác thực hiện vì nội quy đó do chính các em đưa ra.

Tôn trọng cả sự “cá biệt” của các em vì mỗi cá nhân là một nhân cách độc đáo cần phải được tôn trọng. Xin đừng áp đặt thô bạo với các em, không xúc phạm làm tổn thương danh dự của các em trước tập thể, cố gắng thận trọng khi phát ngôn vì học sinh cá biệt hết sức nhạy cảm.

Thứ chín, thầy cô hãy cố gắng điềm tĩnh, biết tự kiềm chế vì “học sinh cá biệt” là một sự “thử thách” rất lớn đối với đức tính điềm tĩnh, tự kiềm chế của mỗi giáo viên, nếu nóng vội là công sức mà chúng ta cố gắng sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Không nên quá khắt khe xử lí mạnh tay bằng những hình thức kỉ luật nặng nề, không nên đe doạ, thành kiến với các em. Đừng nhắc đi nhắc lại nhiều lần lỗi vi phạm của các em sẽ tạo nên sự xấu hổ dần dần dẫn đến sự chai lì.

Thứ mười, phải kiên quyết cứng rắn, lời nói phải đi đôi với việc làm. Xin đừng hứa suông. Đã nói thì phải kiên quyết thực hiện, biết không thực hiện được thì kiên quyết không nói.

Vận dụng linh hoạt “lạt mềm buộc chặt”, “mềm nắn rắn buông”. Dù rất gần gũi với các em nhưng luôn phải giữ một khoảng cách nhất định của thầy trò.

Thứ mười một, đối với những học sinh cá biệt hay bỏ học chơi bời có biểu hiện vi phạm thì giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên liên hệ, phối hợp với công an xã để nắm bắt những vi phạm của các em. Từ đó kết hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, gia đình để gặp gỡ, giáo dục và giúp đỡ.