Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn bắt gặp một trận mưa lúc này hay lúc khác. Đôi lúc, có vẻ mưa sẽ không đến nhưng ngay sau đó một trận mưa như trút bất ngờ khiến chúng ta ướt nhẹp.
Vài phút trước đó, tất cả những hạt mưa sẽ nằm trong trong một đám mây xa tít, vậy tại sao chúng lại chọn chính xác thời điểm rơi xuống?
Vâng, phải có một điểm tới hạn, một thời điểm đâu đó khi những cơn mưa bí ẩn vẫn còn lơ lửng trong đám mây, sau đó chúng quá nặng để ở lại và quyết định rơi xuống mặt đất.
Theo ScienceABC, đó là thời điểm khi những giọt mưa nhỏ cô đặc và kết lại đến một điểm mà khối lượng của chúng bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn. Tuy nhiên, những cơn mưa phức tạp hơn một chút so với điều chúng ta đã biết…
Mây hình thành như thế nào?
Những đám mây hình thành do nước bốc hơi từ mặt đất. Vào một ngày ấm áp và ánh nắng mặt trời tỏa xuống mặt hồ cả buổi chiều, nước trong hồ sẽ tăng nhiệt độ, cuối cùng chuyển đổi sang trạng thái khí và bốc hơi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, tại thời điểm này trong quá trình, mưa vẫn ở hình dạng những giọt nhỏ li ti mà chúng ta không thể nhìn thấy.
Hàng tỷ và nghìn tỷ các phân tử hơi nước nhỏ li ti như thế này bay lên bầu trời, chúng tạo thành những đám mây lơ lửng. Những giọt nước hình thành những đám mây trông khá nặng nề, nhưng những đám mây không dày đặc; trong thực tế, thể tích của không khí trong các đám mây lớn hơn thể tích của tất cả các giọt hơi nước siêu nhỏ này hơn 1.000 lần.
Không khí càng ấm, lượng hơi nước bốc hơi càng nhiều. Nhưng càng lên cao, không khí xung quanh càng trở nên lạnh hơn khiến hơi nước trở về dạng lỏng. Không khí lạnh không thể giữ hơi nước nhiều như không khí ấm, và tương tự, dưới áp suất không khí thấp hơn, sẽ có ít hơi nước hơn được giữ lại bởi không khí. Do đó, một sự chuyển giao giai đoạn xảy ra. Tuy nhiên, những giọt nước mới hình thành có kích cỡ rất nhỏ, nhỏ hơn 4 – 5 lần độ dày của một tờ giấy.
Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho nước khi ngưng tụ trên một vi hạt nào đó, chứ không phải là hình thành một cách tự nhiên trong không khí. Vì vậy, nếu có một lượng lớn bụi hoặc các hạt khác trong không khí, những đám mây sẽ hình thành dễ dàng hơn nhiều. Các biến thể về địa hình, tương tác khí quyển, nhiệt độ và gió có thể ảnh hưởng đến loại mây được hình thành, nhưng quá trình cơ bản là như nhau.
Không khí ấm tăng lên bên dưới những khu vực rộng lớn đầy hơi nước đủ mạnh để hỗ trợ những đám mây, đó là lý do tại sao chúng “trôi nổi” cùng với tất cả mưa chứa trong đó. Điều này có vẻ trái với tất cả mọi kiến thức đã học về lực hấp dẫn, nhưng bạn cần phải xem xét những giọt hơi nước bé li ti này thực sự nhỏ đến mức nào và bạn sẽ hiểu, chúng trôi nổi theo cùng một cách mà những hạt bụi đang làm để không ngừng thách thức trọng lực của Trái đất.